Friday, May 12, 2017

Đóa hồng trắng cho ngày Mother Day - Thúy Sương PBC72

Ngày Mother Day năm nay tôi cài hoa hồng trắng. Má tôi mất vào tháng mười một năm ngoái. Trước ngày má mất khoảng 2 tuần tôi đã có vé về Việt nam. Con trai tôi cũng đã dự định tháng 12 về thăm bà ngoại. Buổi tối trước ngày má tôi mất, đang ngủ nằm mơ thấy má tôi ở nhà sinh hoạt bình thường ở Phan thiết, sau đó thì tự nhiên trong mơ thấy đèn tắt tối thui. Tôi có nhớ ai đó nói ủa bị cúp điện nữa. Giựt mình tỉnh giấc, tôi nghĩ chắc có gì, thôi để gọi về nhà hỏi thăm.  
Sáng hôm sau lái xe đi làm nhận điện thoại của đứa em gái báo tin má tôi vừa mới mất. Vào sở làm boss của tôi nghe được tin đã đến ngay phòng tôi làm thấy tôi khóc ông thổ nhẹ vào vai tôi im lặng nhưng cũng đã tỏ bày những san sẽ cần thiết cho sự mất mác của tôi và hỏi tôi có cần gì thì cứ nói. Tôi booked lại vé để về Việt nam sớm hơn nhưng cũng đã là đứa con về sau cùng nhất của má tôi. Đến Phi trường Tân Sơn Nhất, đã thấy xe cùng anh tôi và em gái chờ sẳn để về Phan thiết. Vào nhà tôi chỉ còn thấy mặt má nằm đó qua mặt kính, mới nhìn xong thì nắp quan tài đóng lại. Tôi vĩnh viễn mất má từ đây.
Lần đầu tiên sau 1975, chín anh em đã gặp mặt đông đủ ngày má tôi mất. Cho dù buồn nhưng mấy anh em ai cũng dặn lòng đừng khóc để má tôi đi thanh thản.. Những ngày đám tang của má tôi, có nhiều người đến viếng và phúng điếu vưà là bà con nội ngoại, láng giềng, bạn của gia đình các anh chị em tôi. Tôi thấy có nhiều thầy và các sư cô từ các chùa đến tụng niệm. Các anh em ai mắt cũng buồn dàu dàu nhưng không khóc cho đến lúc lễ cúng dâng cơm cho má lần sau cùng trước khi tiễn má tôi đi vĩnh viễn thì đang dâng chén cơm cho má nước mắt tự nhiên chảy ra không dằn lại được.  Đám tang hôm đó có dừng ngang nhà ngoại để má tôi tiễn biệt lần cuối, vì cửa không mở được để vào đốt nhang, nên một người của nhà quàn cầm 2 cây gõ 3 tiếng cho má tôi chào vĩnh biệt. Vậy đó mà má tôi đi.  
Chị tôi lần lượt kể những chi tiết trong những ngày cuối đời của má tôi, trong đó nghe chị tôi kể lúc đứa em trai út tôi về gặp má tôi đã nói má ơi con về nè má. Dù không có tôi lúc đó nhưng tôi cũng hình dung được lúc đó tình cảm của em tôi đối với má ra sao. Cả 9 anh em tôi ai cũng đều thương má. Anh chị em có xích mích gì với nhau nghĩ đến má tôi thì việc lớn cũng thành nhỏ. Má tôi hay nói gà cùng một mẹ mà ai lại đi đá nhau bao giờ. Nên mấy anh chị em có chuyện gì cũng không để má tôi biết sợ má tôi buồn.
Má tôi khổ cả đời từ lúc nhỏ bà ngoại mất sớm, má tôi là chị hai của mười mấy đứa em. Bên nội bên ngoại đều giàu có những má tôi số khổ. Ba tôi là công tử nhà giàu nhưng không biết giữ tiền và tính tình lại hào phóng nên cuối đời thì sống khổ. Tuy vậy lúc trẻ cũng đã giúp đỡ nhiều người lúc sa cơ thất thế nên có rất nhiều em nuôi, sau này các chú đó đều xem gia đình tôi như người thân. Có lẽ nhờ vậy nên mấy anh chị em tôi sau này chắc cũng hưởng phước được từ ba má tôi. Ngày xưa lúc học ở Sài Gòn, mỗi khi tết về thăm nhà, đi xích lô từ bến xe về nhà mấy ông xích lô ai cũng nói khi xưa bà nội con giàu lắm nhưng ba và cô con chắc là xài hết.. Má tôi không được học nhiều nhưng lúc nào cũng lo đầy đủ cho các con ăn học. Sau 75 một tay má tôi lo đi thăm nuôi cho các em mình cũng như lo cho anh chị em tôi đi nước ngoài để có được một cuộc sống khá tốt như ngày nầy.
Lần sau cùng tôi về thăm má năm 2014, má tôi lúc đó đã thấy yếu nhiều nhưng vẫn tự mình đi không muốn phiền ai. Má bắt đầu ít nói chuyện nhưng nếu thích ai thì cũng nói. Nhất là những chuyện xưa má vẫn còn nhớ nhiều. Lúc đó tôi đưa má đi Hòn Rơm, đi ra biển ở Đồi Dương, má tôi rất vui, ngồi đó chỉ nhìn con không nói những tình cảm mẹ con chắc là tràn đầy. Má nằm trên võng tôi hay hỏi má chuyện nầy chuyện kia, mục đích chỉ để má tôi nói và tôi nghe. Một điều lý thú là những chuyện xưa má tôi nhớ nhiều lắm, nhưng gần thì có chuyện lại quên. Có lẽ ngày xưa memory của mình còn fresh nên chuyện gì cũng nhớ. Sau nầy bộ nhớ chắc đầy rồi nên không nhớ nữa. Để má tôi nói tôi hỏi những bài hát ca dao ngày xưa ru con má tôi đọc rào rào, tôi có ghi lại xin viết ra đây gởi tặng nhân ngày mother day:

Mẹ già như chuối ba hương,
Như cơm nếp mật, như đường mía lau.
Đường mía lau càng lâu càng ngát,
Cơm nếp mật ngào ngạt hương say.

Ví dầu cầu ván đỏng đinh
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời

Mẹ già như chuối chín cây,
Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi.

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ
Chờ chờ đợi đợi làm chi
Trai nam nhi có vợ, gái nữ nhi có chồng

Tiếng đồn con gái Phú Yên
Đồng Nai đi cưới một thiên cá mòi
Không tin mở quả ra coi
Rau răm ở dưới, cá mòi ở trên.

Gió đưa cây Cải về trời,
Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay

Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm, tay bồng
Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông

Kết thúc bài viết xin gởi tặng một số bài thu thập được để nói về lòng bao la của người mẹ và mong tất cả mọi người nhất là các bà mẹ có được một ngày mother day thật an lành và vui vẻ bên người thân.

Bồng bồng con nín con ơi
Dưới sông cá lội, trên trời chim bay.
Ước gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá, tay này bắn chim.
Một tay tuốt chỉ luồn kim
Một tay làm ruộng, một tay hái rau.
Một tay ôm ấp con đau
Một tay vo gạo, một cầu cúng ma.
Một tay khung cửi, guồng xa
Một tay lo bếp, lo nhà nắng mưa.
Một tay đi củi, muối dưa
Còn tay van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn.
Bướm vàng đậu đọt mù u
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn.
Đắng cay cũng thể ruột rào

Đi đâu mà bỏ mẹ già
Gối nghiêng ai sửa,chén trà ai dâng ?
Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao mẹ già.
Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm cho mẹ mẹ già yếu răng.
Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa
Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín lòng cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con.

Thuý Sương

No comments:

Post a Comment